Thứ sáu, 28 Tháng 06 Năm 2024

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Xu thế không thể đảo ngược

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Trong hơn ba mươi năm thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã phấn đấu kiên cường, không ngừng nghỉ và đã giành được những thành tựu thật to lớn, đáng tự hào, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, nhất là đã góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, đưa địa vị nước ta trên trường quốc tế lên một tầm cao mới.

Bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa thời cuộc ấy, vẫn còn những tồn tại hạn chế, bất cập làm cản trở bánh xe lịch sử dân tộc trên con đường đi tới ánh sáng văn minh. Một trong những biểu hiện rõ rệt nhất của những hạn chế ấy là nạn tham nhũng, tiêu cực hiểm nguy như “giặc nội xâm”.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Xu thế không thể đảo ngược

       Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong cuốn sách của mình đã đánh giá nhìn nhận “thủ phạm” tham nhũng một cách chính xác, trực diện, sinh động và được thể hiện qua những quan điểm nhất quán, đúng đắn. Tìm hiểu tác phẩm của Tổng Bí thư, chúng ta càng hiểu thêm rằng: Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược. 

       Về cơ sở lý luận, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể coi là kim chỉ nam cho hành động cách mạng với mỗi cán bộ, đảng viên cũng như với các cấp ủy Đảng, chính quyền, và cả hệ thống chính trị; nó còn là những quan điểm đúng đắn, nhất quán của Đảng ta trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

       Như chúng ta đã biết, lý luận (ở đây là lý luận cách mạng đúng đắn, khoa học mang tính thực tiễn sinh động) là ngọn đèn pha soi sáng cho hành động, cho nhận thức của chúng ta trên con đường thực hiện lý tưởng cách mạng để xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, tự do, giàu đẹp, hùng cường, Nhân dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc như di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và lý luận nào như thế đều là vô giá, long lanh như những viên kim cương.

       Chúng ta có thể nói, cuốn sách của Tổng Bí thư của Đảng về chống tham nhũng, tiêu cực cũng là một lý luận như thế. Hay nói cách khác, cuốn sách có giá trị lý luận (và cả thực tiễn) cùng nhiều ý nghĩa thật to lớn. Bởi nó đã chỉ ra được “thủ phạm” hay bản chất của vấn đề giúp chúng ta nhận rõ nguyên nhân sâu xa, trực tiếp của tham nhũng, tiêu cực chính là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chẳng những thế, cuốn sách của Tổng Bí thư còn nêu rõ quan điểm trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà quan điểm quan trọng và nhất quán là phòng chống từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc. Đồng thời cũng đề ra những giải pháp, nhiệm vụ cốt yếu, căn cơ trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực… Trên hết, cuốn sách không chỉ là lý luận, thậm chí được coi là hệ thống lý luận mà còn là tấm lòng đau đáu, là lương tâm trách nhiệm của Tổng Bí thư của Đảng với non sông đất nước, với sự nghiệp đổi mới của cách mạng Việt Nam; nhất là trong bối cảnh sự tham nhũng, tiêu cực đã và đang có những diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi trong đời sống xã hội hay trong thực tiễn của cách mạng nước ta…

       Có thể nói, tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự tổng kết thực tiễn phong phú của công cuộc đổi mới và sự nghiệp cách mạng nước ta nói chung cũng như công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Thực tiễn sinh động với nhiều mảng màu sáng tối trong bức tranh của công cuộc đổi mới cũng như sự nghiệp cách mạng nước nhà đã được thể hiện trong tác phẩm một cách chân chất, dễ hiểu, dễ nhận cảm.

       Tác phẩm được phát hành trong bối cảnh khái quát chặng đường mười năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (2013 - 2023); cũng như trong bối cảnh thực tiễn với những vụ đại án đã và đang được các cơ quan chức năng điều tra, xét xử mà tiêu biểu như vụ đại án “chuyến bay giải cứu” hay vụ án Việt Á với số người liên đới trách nhiệm hay phạm tội là hàng chục, hàng trăm người. Nhưng với quan điểm chỉ đạo nhất quán và một tinh thần đấu tranh kiên quyết, một sự nhìn nhận khách quan, đúng bản chất của vấn đề như điều Tổng Bí thư đã chỉ rõ trong tác phẩm của mình: “Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thể hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và cũng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”.

       Thực tiễn đời sống và thực tiễn được phản ánh trong tác phẩm của Tổng Bí thư của Đảng là hai mặt của một vấn đề. Chỉ một khi hai mặt ấy đều nhất quán thể hiện một vấn đề, thì thực tiễn ấy mới sinh động và có ý nghĩa với một tác phẩm báo chí chính luận. Có một hình ảnh mà chính Tổng Bí thư đã gọi tên và đã được rất nhiều người gọi tên như một sự cảm kích, như một niềm tự hào, tự tin là hình ảnh “đốt lò” và “người đốt lò vĩ đại”. Hình ảnh ấy không chỉ đúng với bản chất vấn đề được phản ánh về công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà còn thể hiện lương tâm trách nhiệm, là tấm lòng đau đáu vì non sông đất nước của đồng chí Tổng Bí thư của Đảng ta, một Đảng Mácxit - Lênin nít cầm quyền, chính nghĩa của quảng đại quần chúng Nhân dân và của cách mạng Việt Nam.

        Và từ cái lò vẫn luôn rực lửa ấy, hết thảy những củi to, củi nhỏ đều bị đốt cháy. Nói một cách khác, những quan to, quan nhỏ một khi đã nhúng chàm hay vi phạm pháp luật ở những mức độ khác nhau (theo luật định), được các cơ quan chức năng điều tra và có chứng cứ thì sớm muộn đều bị pháp luật trừng trị và với quan điểm “không có vùng cấm”. Đó chính là một việc làm tất yếu, không thể  đảo ngược trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta nói chung và tình nghiêm minh của pháp luật xã hội chủ nghĩa nói riêng.

        Ở một khía cạnh khác có ý nghĩa và đáng nói là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn là một việc làm cần thiết. Tại sao lại cần thiết? Bởi, như chúng ta được biết tham nhũng, tiêu cực là “giặc nội xâm”. Mà đã gọi là giặc hay kẻ thù là kẻ không đội trời chung với chúng ta, với cách mạng nước nhà. Chính chúng là kẻ giết người không dao, trong các mối quan hệ xã hội là “viên đạn bọc đường” nên việc đấu tranh phòng, chống nó đã từng là mặt trận không tiếng súng mà sự khốc liệt ở đây cũng không kém gì mặt trận “nóng” ngoài chiến tuyến. Có khi còn gian nan khốc liệt hơn khi ta thấy, sự sụp đỗ của Nhà nước Liên bang Xô Viết và hệ thống các nước XHCN ở châu Âu trong những thập niên cuối thế kỷ 20 là một ví dụ sinh động.

      Mặt khác, hệ quả cũng như hậu quả của sự tham nhũng, tiêu cực ở nước ta trong nhiều năm, nhất là trong những năm gần đây là thật nghiệm trọng, ảnh hưởng và tác động tiêu cực đến hầu hết các mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội. Nó lũng đoạn và thao túng tư tưởng của người cán bộ đảng viên, làm cho họ mất phương hướng trong đấu tranh cũng như trong hành động thực tiễn. Đồng thời làm xói mòn niềm tin của các tầng lớp Nhân dân với chế độ, với sự lãnh đạo của Đảng. Thiết nghĩ, nếu công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực không được triển khai thực hiện kịp thời, đúng đắn và có hiệu quả thì đất nước sẽ về đâu!

       Công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hơn 30 năm qua kể từ Đại hội Toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986) đã giành được những thành tựu thật to lớn và có ý nghĩa nhiều mặt (về chính trị, kinh tế - xã hội…), trong đó đáng kể là đã góp phần xây dựng đất nước ta “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như di chúc thiêng liêng mà Bác Hồ đã để lại cho chúng ta trước lúc Người đi xa.

      Dù còn nhiều khó khăn bất cập, nhất là những biểu hiện của tham nhũng, tiêu cực còn đa dạng, tinh vi. Dẫu vậy, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã thu được những thành tích thật to lớn mà theo báo cáo của các cơ quan chức năng (chỉ trong 10 năm: 2013 - 2023), các cơ quan chức năng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.675 vụ án tham nhũng, 5.841 bị can; truy tố 2.628 vụ, 6.199 bị can…

      Chúng ta vẫn luôn tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần đoàn kết và yêu nước của Nhân dân ta, nhất định chúng ta sẽ còn giành được những thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp cách mạng nói chung và trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Đó là niềm tin của một dân tộc anh hùng với bốn ngàn năm lịch sử vẻ vang, đã từng chiến đấu và chiến thắng những kẻ thù hùng bạo nhất thế giới, không lẽ chúng ta lại chùn bước thất bại trước kẻ thù vô hình là “giặc nội xâm” ấy sao!

Nguồn: Báo điện tử Thanh tra

 

TRẦN CÔNG THẮNG
Ủy viên BTV Tỉnh ủy
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

 

 

User Online: 16,850
Total visited in day: 3,152
Total visited in Week: 18,506
Total visited in month: 111,437
Total visited in year: 532,202
Total visited: 1,831,165