Vai trò của MTTQ, các đoàn thể nhân dân trong việc phối hợp với chính quyền tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo ở địa phương
Ngày đăng:23-12-2015
Khiếu nại, tố cáo là quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp, là công cụ pháp lý để công dân bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi bị xâm phạm, là biểu hiện của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Khiếu nại, tố cáo là một kênh thông tin phản ánh việc thực thi quyền lực của bộ máy nhà nước, phản ánh tình hình thực hiện công vụ của cán bộ, công chức. Do đó, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo không những có vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước, mà còn thể hiện mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, Đảng và Nhà nước kiểm tra tính đúng đắn, sự phù hợp của đường lối, chính sách, pháp luật do mình ban hành, từ đó có cơ sở thực tiễn để hoàn thiện sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Vì vậy, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là một vấn đề được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm.
Khiếu nại, tố cáo là quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp, là công cụ pháp lý để công dân bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi bị xâm phạm, là biểu hiện của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Khiếu nại, tố cáo là một kênh thông tin phản ánh việc thực thi quyền lực của bộ máy nhà nước, phản ánh tình hình thực hiện công vụ của cán bộ, công chức. Do đó, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo không những có vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước, mà còn thể hiện mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, Đảng và Nhà nước kiểm tra tính đúng đắn, sự phù hợp của đường lối, chính sách, pháp luật do mình ban hành, từ đó có cơ sở thực tiễn để hoàn thiện sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Vì vậy, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là một vấn đề được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm.
Vấn đề đặt ra là việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo nếu được thực hiện đúng pháp luật sẽ góp phần phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và của cơ quan, tổ chức; ngược lại, việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo nếu không được thực hiện đúng Luật sẽ tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội ở địa phương, cơ sở.
Với vai trò, trách nhiệm của mình, thời gian qua, MTTQ các cấp và các đoàn thể nhân dân đã thực hiện tốt công tác phối hợp với chính quyền tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền KN-TC, phối hợp tiếp công dân, xử lý đơn thư KN-TC, phản ánh, kiến nghị của công dân. Qua đó, một mặt bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, một mặt góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển, tham gia xây dựng chính quyền vững mạnh.
Công tác phối hợp với chính quyền và các cơ quan nhà nước được MTTQ các cấp quan tâm triển khai. Ngay đầu nhiệm kỳ hoạt động, MTTQ các cấp từ tỉnh đến cơ sở đều ký kết và thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ, trong đó quy định rõ việc phối hợp tiếp dân, giải quyết đơn thư KN-TC của công dân. MTTQ ký chương trình phối hợp với 18 sở, ngành liên quan. Từ đó, các bên phối hợp thường xuyên trao đổi thông tin lẫn nhau, trong đó có công tác tiếp công dân, giải quyết KN-TC, giải quyết các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
MTTQ tỉnh xây dựng Đề án "Nâng cao chất lượng công tác MTTQ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền giai đoạn 2013 - 2016"; trong đó đề ra nhiệm vụ, biện pháp tham gia có hiệu quả công tác giải quyết KN-TC. Xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án “Tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư giai đoạn 2013-2016”, hướng dẫn mỗi xã, phường, thị trấn làm điểm tại 01 khu dân cư, tiếp tục nhân ra diện rộng năm 2015 - 2016.
Hướng dẫn MTTQ các cấp thực hiện tốt công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bảo vệ quyền lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, giữ ổn định từ cơ sở. Xây dựng kế hoạch nắm, phản ánh tình hình nhân dân và những ý kiến kiến nghị đề xuất với cấp uỷ, chính quyền. Hướng dẫn nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, người uy tín trong cộng đồng dân cư. Xây dựng các tiêu chí khu dân cư an toàn, khu dân cư văn hoá; nhận giáo dục, cảm hoá giúp đỡ người lầm lỗi; phát huy các mô hình tự quản; tham gia công tác hoà giải, góp phần vào sự ổn định và phát triển từ khu dân cư.
MTTQ các cấp phối hợp với chính quyền, các thành viên Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật và cơ quan hữu quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Tập trung tuyên truyền, phổ biến về Hiến pháp năm 2013; các văn bản pháp luật liên quan đến người dân như: Luật đất đai (sửa đổi), Luật hòa giải ở cơ sở; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; Luật Tiếp công dân; Nghị định số 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật tiếp công dân; Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo..., giúp người dân hiểu và thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo.
MTTQ các cấp ở địa phương phối hợp chặt chẽ với UBND cùng cấp phối hợp triển khai, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, thường xuyên thông tin, công khai để nhân dân biết theo dõi, giám sát về các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn.
MTTQ tỉnh tham dự đầy đủ các cuộc tiếp công dân định kỳ của Thường trực HĐND và UBND tỉnh. Qua đó có điều kiện nắm rõ thông tin, nội dung từng vụ việc, nhất là các vụ việc phức tạp, vụ việc đông người, vụ việc kéo dài, vượt cấp, từ đó giải thích, hướng dẫn công dân khi công dân phải ánh, kiến nghị qua MTTQ tỉnh; đồng thời giám sát chặt chẽ trách nhiệm giải quyết đơn thư của các cơ quan có thẩm quyền. Tham gia cùng UBND tỉnh họp bàn, đối thoại, giải quyết nhiều vụ việc phức tạp tồn đọng kéo dài. Tham gia các đoàn giám sát việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo trên địa bàn do Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND tỉnh và Ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với Thanh tra tỉnh xây dựng Kế hoạch số 12/KH-MTTQ-TTr ngày 11/03/2015 về việc phối hợp trong lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo phản ánh, kiến nghị của công dân. Hướng dẫn MTTQ huyện Tân Yên, thành phố Bắc Giang chủ trì phối hợp với UBND và các ngành chức năng tổ chức hội nghị công khai tại nơi cư trú của người khiếu nại, tố cáo các vụ việc đã được kiểm tra, rà soát nhưng công dân chưa nhất trí theo kế hoạch số 1130/KH -TTCP ngày 10/5/2012 và kế hoạch số 2100/KH -TTCP ngày 19/9/2013 của Thanh tra Chính phủ.
Phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp dân định kỳ vào ngày 15 hàng tháng; phân công lãnh đạo, cán bộ chuyên trách tiếp nhận phản ánh của nhân dân; phối hợp tham gia 02 cuộc đối thoại với công dân. Trong năm đã tiếp 83 lượt công dân, nhận 124 đơn thư tại cơ quan MTTQ tỉnh, xử lý phân loại chuyển đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Thường xuyên giám sát, đôn đốc việc giải quyết đơn thư, thông báo kết quả trả lời bằng văn bản đến MTTQ để thông báo kịp thời cho người khiếu nại, tố cáo; qua đó, MTTQ tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và thực hiện các quyết định đúng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền. Đối với những vụ việc phức tạp, MTTQ tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng để nắm rõ nội dung vụ việc, quy trình giải quyết, từ đó giải thích, hướng dẫn cho công dân, vận động công dân chấp hành, thực hiện quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia Tổ công tác giải quyết “điểm phức tạp” trên địa bàn tỉnh, thường xuyên nắm bắt, lắng nghe ý kiến từ các tổ chức thành viên và nhân dân khi phát sinh các điểm phức tạp. Trong thời gian qua, MTTQ tỉnh đã phối hợp với chính quyền, tham gia trực tiếp vào một số nhiệm vụ của tỉnh, đã góp phần làm ổn định tình hình an ninh chính trị, ở địa phương như: Di dân trường bắn Quốc gia TB1 ở huyện Lục Ngạn; bồi thường giải phóng mặt bằng đường 293 huyện Lục Nam, đường dẫn cầu Đông Xuyên ở huyện Hiệp Hòa…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của MTTQ tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đó là: Hiện nay địa bàn tỉnh hiện nay có một số đối tượng cố tình khiếu kiện dai dẳng, trái pháp luật hoặc cố tình không thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo. Một số đối tượng thiếu thiện chí, kích động, tụ tập đông người, có hành vi gây rối, mất trật tự công cộng, nhưng các cơ quan chức năng còn chưa có biện pháp xử lý kiên quyết. MTTQ không phải là cơ quan giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, khi nhận được đơn thư của công dân thì xem xét chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền và theo dõi, giám sát việc giải quyết đó. Thực tế những đơn thư công dân gửi đến MTTQ thường là đơn đã được giải quyết qua nhiều cấp (phần lớn đã được giải quyết đúng pháp luật), nhưng công dân chưa đồng tình và tiếp tục gửi đơn đến nhiều cơ quan. MTTQ không được nghiên cứu vụ việc, hồ sơ từ đầu; mặt khác, cán bộ được phân công tiếp dân, giải quyết đơn thư là kiêm nhiệm, không có nhiều thời gian, điều kiện để nghiên cứu, thẩm định kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng.
Để thực hiện tốt công tác tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục phối hợp chính quyền, các đoàn thể nhân dân làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về pháp luật tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, hoà giải ở cơ sở,... tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, hạn chế khiếu kiện sai, góp phần bảo đảm việc khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật. Qua đó, từng bước giảm dần tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở; khắc phục tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, đông người.
Hai là, MTTQ các cấp thực hiện các biện pháp phát huy vài trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc công giáo; tăng thông tin của ủy viên ủy ban MTTQ các cấp trong việc nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân và những phản ánh kiến nghị của nhân dân để kiến nghị với chính quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Ba là, quan tâm phối hợp thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường giám sát của MTTQ trên các lĩnh vực; đặc biệt là lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo như quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư, xây dựng. Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động Thanh tra nhân dân, Giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ hòa giải ở cơ sở; phối hợp giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn ngay tại địa bàn khu dân cư, nhằm hạn chế các vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh.
Bốn là, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa MTTQ với Thường trực HĐND, UBND các cấp, nhất là cấp cơ sở trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về khiếu nại - tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thường xuyên trao đổi thông tin giữa các bên về kết quả giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền, nhất là các vụ việc công dân khiếu kiện kéo dài, đông người, vượt cấp để cùng phối hợp xử lý.
Năm là, phối hợp tiếp công dân định kỳ; đối thoại với công dân có đơn khiếu nại kéo dài, qua đối thoại giúp người dân hiểu về các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; cán bộ tự nâng cao năng lực dân vận, năng lực chuyên môn; dân chủ ở cơ sở được phát huy giúp cấp ủy và chính quyền gần dân hơn, hiểu dân và có trách niệm với dân.
Sáu là, trong thời hạn giải quyết, trả lời đơn, MTTQ thường xuyên đôn đốc, giám sát cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thông báo kết quả trả lời bằng văn bản về MTTQ và công dân. Khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định đối với những vụ việc đã được giải quyết đúng pháp luật, MTTQ các cấp tuyên truyền, vận động công dân chấp hành, thực hiện quyết định. Phối hợp với cơ quan hữu quan giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Chủ trì phối hợp chính quyền các cấp tổ chức công khai tại nơi cư trú các vụ việc đã được giải quyết.
Bảy là, phân công cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm cao để làm công tác tiếp dân, tiếp nhận, tham mưu giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định của pháp luật.