Các dân tộc thiểu số Việt Nam trong chiến tranh vệ quốc
Ngày đăng:04-08-2014
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc có một lịch sử phát triển bản sắc văn hóa riêng, song cùng là con rồng, cháu tiên có chung tổ tiên là Lạc Long Quân và Âu Cơ, đã cùng nhau mở mang bờ cõi, hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, tạo nên non sông gấm vóc Việt Nam ngày nay. Xuất phát từ lịch sử và thực tiễn của đất nước Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Dân tộc Việt Nam là một khối thống nhất các dân tộc anh em, các dân tộc thiểu số là một bộ phận hợp thành của dân tộc Việt Nam, các dân tộc thiểu số cũng như dân tộc kinh, đều bị thực dân, đế quốc áp bức, bóc lột và đều có nguyện vọng đánh đuổi thực dân, đế quốc, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. Lúc sinh thời, Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt vấn đề này và không ngừng phấn đấu thực hiện vì một chính sách dân tộc đúng đắn và sát hợp.
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc có một lịch sử phát triển bản sắc văn hóa riêng, song cùng là con rồng, cháu tiên có chung tổ tiên là Lạc Long Quân và Âu Cơ, đã cùng nhau mở mang bờ cõi, hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, tạo nên non sông gấm vóc Việt Nam ngày nay. Xuất phát từ lịch sử và thực tiễn của đất nước Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Dân tộc Việt Nam là một khối thống nhất các dân tộc anh em, các dân tộc thiểu số là một bộ phận hợp thành của dân tộc Việt Nam, các dân tộc thiểu số cũng như dân tộc kinh, đều bị thực dân, đế quốc áp bức, bóc lột và đều có nguyện vọng đánh đuổi thực dân, đế quốc, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. Lúc sinh thời, Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt vấn đề này và không ngừng phấn đấu thực hiện vì một chính sách dân tộc đúng đắn và sát hợp.
Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, do những đặc diểm lịch sử thường cư trú ở vùng miền núi và biên giới, nơi có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Nhìn lại thời kỳ phong kiến Việt Nam, các vua đầu nhà Lý thường đem con gái, em gái mình gả cho các thủ lĩnh miền thiểu số, gắn bó máu thịt để yên tâm giữ gìn biên giới, còn gọi là “Phên dậu” của Tổ quốc. Khi chiến tranh chống lại quân xâm lược từ Phương bắc, các thủ lĩnh miền thiểu số đều cầm quân ra trận, trong nhà đồng bào dân tộc, cứ có 8 người thì 6 người, nhà có 7 người thì 5 người cầm vũ khí ra trận, dù quân giặc có đông hơn gấp bội.
Từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã xác định, “Giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc là một trong những nhiệm vụ có tính chất chiến lược của cách mạng Việt Nam”. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sau ba mươi năm đi tìm đường cứu nước, năm 1941, Người trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, căn cứ địa cách mạng đầu tiên Người chọn và xây dựng tại Pắc Bó (Cao Bằng) thuộc vùng Việt Bắc. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Bắc mãi mãi khắc ghi hình ảnh Hồ Chí Minh hay “Ông Ké”, “Già Thu” lúc bấy giờ. Ở đó, Người đã kêu gọi toàn dân, trong đó có các dân tộc thiểu số tham gia cách mạng: “…Hỡi đồng bào yêu quý! Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm”. Nghe theo tiếng gọi của Hồ Chí Minh đồng bào các dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng trong xây dựng căn cứ địa, nuôi dấu cán bộ, giao thông liên lạc, tổ chức lực lượng cách mạng. Các tổ chức như Mặt trận Việt Minh (MTTQ Việt Nam ngày nay), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay), đều đã ra đời, và dần trưởng thành từ căn cứ Việt Bắc – Địa bàn cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số. Năm 1945, trong thư kêu gọi tổng khởi nghĩa, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “…Việt Nam độc lập đồng minh có hàng chục triệu đội viên, gồm đủ các tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh, gồm đủ các dân tộc Việt, Thổ, Nùng, Mường, Mán… Việt minh là cơ sở cho sự đoàn kết, phấn đấu của dân tộc ta lúc này… Đồng bào hãy dũng cảm tiến lên”.
Cách mạng tháng 8 thành công, chúng ta giành được chính quyền chưa được bao lâu thì thực dân Pháp đã quay lại xâm lược. Đáp lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân các dân tộc thiểu số đã cùng nhân dân cả nước đứng lên kháng chiến, kiến quốc. Đảng, Chính phủ và Bác Hồ lại trở về “Thủ đô” Việt Bắc, “Thủ đô gió ngàn” Với chủ trương “Trường kỳ kháng chiến” và tin tưởng “Nhất định thắng lợi”. Sau 9 năm, với chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, chống Mỹ cứu nước. Rừng Trường Sơn, Tây Nguyên,… đã trở thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng, ở đó, đồng bào các dân tộc thiểu số đã đóng góp sức người, sức của ủng hộ cách mạng, góp phần không nhỏ trong thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Hồ Chí Minh đã khái quát tầm quan trọng của miền núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là: “Miền núi đối với quốc phòng rất quan trọng. Vì vậy phải chăm lo đến việc củng cố quốc phòng, duy trì trật tự trị an, để chủ động tiêu diệt nhanh chóng bọn biệt kích, đập tan âm mưu của bọn phản động… Toàn Đảng, toàn dân đều phải có trách nhiệm giúp sức vào việc đó”. Đó cũng là sự hiện thực hóa, phương châm đánh địch ở cả ba vòng chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Miền núi – Nông thôn đồng bằng- Đô thị luôn hiệu quả và nhất quán trong tư tưởng của Người.
Bắc Giang là vùng đất cổ, có bề dày lịch sử hình thành và phát triển cùng với lịch sử dân tộc Việt Nam. Với vị trí quan trọng ở phía Bắc Hà Nội, Bắc Giang luôn giữ vai trò là phên dậu của Đông Đô, Thăng Long trong các cuộc đấu tranh chống giặc phương Bắc xâm lược. Là vùng đất có thế mạnh cả ba mặt: Rừng núi, trung du và đồng bằng, nhiều đồng bào ở miền xuôi đã tìm đến nơi đây để sinh sống, lập nghiệp, tạo thành thế đan xen giữa đồng bào miền xuôi với đồng bào miền núi, giữa đồng bào kinh với đồng bào các dân tộc thiểu số, thành một cộng đồng hòa quyện và thống nhất, tạo nên một sắc thái, đặc thù văn hóa Bắc Giang. Đồng bào dân tộc thiểu số của Bắc Giang chiếm 12,4% dân số toàn tỉnh, tập trung ở 105 xã miền núi thuộc các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang và Tân Yên. Dưới thời thực dân Pháp đô hộ, nhân dân Bắc Giang nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng không cam chịu làm nô lệ, hàng loạt các cuộc khởi nghĩa nổ ra ở khắp nơi trong toàn tỉnh, nổi tiếng nhất là cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế do người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám lãnh đạo kéo dài gần 30 năm (1884 – 1913) đã lập nên những chiến công oanh liệt, làm cho giặc Pháp nhiều phen kinh hoàng, khiếp sợ. Trong những chiến công đó, có sự góp phần không nhỏ của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập và lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền tháng Tám năm 1945. Thực dân Pháp quay lại xâm lược, chấp hành Chỉ thị của Trung ương Đảng và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang đã cùng với toàn dân ủng hộ kháng chiến, tăng cường đoàn kết, xây dựng lực lượng vũ trang, tích cực trấn áp bọn phản động, bảo vệ và củng cố vững chắc chính quyền cách mạng. Trong vùng địch tạm chiến, đồng bào các dân tộc ở các xã Lục Sơn, Bình Sơn, Trường Sơn (huyện Lục Nam) tích cực cung cấp lương thực cho Chính phủ và trở thành địa bàn hoạt động của các đơn vị bộ đội và nhiều cơ quan trong suốt thời kỳ kháng chiến; đến ngày thắng lợi, nhiều địa phương, tập thể, cá nhân người dân tộc thiểu số được khen thưởng, được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” như huyện Yên Thế, xã Kiên Lao (huyện Lục Ngạn). Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân các dân tộc tỉnh ta đã hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, vượt lên mất mát hy sinh, vừa sản xuất, vừa chiến đấu. “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, tiêu biểu như dân quân du kích xã Dương Hưu (huyện Sơn Động), xã Sơn Hải, Tân Mộc (huyện Lục Ngạn), xã Trường Sơn, Nghĩa Phương, Cương Sơn, (huyện Lục Nam) đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Đế quốc Mỹ, lập công xuất sắc, bắn rơi nhiều máy bay của địch và bắt sống nhiều giặc lái, chiến công nối tiếp chiến công, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong nhân dân các dân tộc miền núi lại tiếp tục tỏa sáng, tiêu biểu như anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Quang Tích – dân tộc Tày ở xã Quý Sơn, mẹ Việt Nam anh hùng Nông Thị Nhóng - Dân tộc Nùng ở xã Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn.
Với truyền thống của một dân tộc Việt Nam anh hùng, các dân tộc thiểu số ở Việt Nam từ ngày có Đảng, Bác Hồ lãnh đạo, luôn được sự quan tâm đặc biệt và sự cảm thông sâu sắc, cũng chính vì thế, những vùng đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc đã luôn được lớp lớp thế hệ đồng bào các dân tộc thiểu số kiên cường và bền bỉ, đoàn kết đấu tranh dựng xây trở thành “Phên dậu” của đất nước. Đồng bào đã góp phần rất lớn vào cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập của dân tộc.