Phát huy vai trò của MTTQ các cấp trong công tác hiệp thương bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
Ngày đăng:19-03-2021
Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện - cơ quan quyền lực Nhà nước từ Trung ương đến địa phương ở nước ta. Thông qua cuộc bầu cử, chính là dịp để cử tri phát huy quyền làm chủ của mình, trực tiếp lựa chọn những đại biểu có đủ năng lực và phẩm chất đạo đức, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Ở nước ta, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, nhân dân thực hiện quyền lực này bằng cách bầu cử. Các cơ quan nhà nước của nước ta đều trực tiếp hay gián tiếp do nhân dân bầu ra thông qua phương thức bầu cử. Thành công của các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đã thể hiện rõ ý thức chính trị, trách nhiệm của cử tri và nhân dân đối với đất nước; phản ánh tính dân chủ trong đời sống xã hội của đất nước ta, đồng thời cũng minh chứng cho vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam trong quá trình tham gia thực hiện bầu cử.
MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội , tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, MTTQ Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc tham gia công tác bầu cử và giám sát công tác bầu cử nhằm góp phần thực hiện dân chủ, vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử, sáng suốt lựa chọn những đại biểu thực sự xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội, HĐND các cấp.
Quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được quy định tại Hiến pháp, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 và Luật MTTQ Việt Nam năm 2015, cụ thể nhất là tại Điều 4 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và Điều 19 Luật MTTQ Việt Nam, MTTQ các cấp. Một trong 6 nội dung được coi là quan trọng nhất trong công tác Mặt trận tham gia bầu cử là tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Với bản chất của Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; do đó, mọi công việc quan trọng của đất nước đều phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân và phải có ý kiến của nhân dân (có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các cơ quan, tổ chức đại diện). Công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu có tầm quan trọng đặc biệt nên cần thiết phải có sự tham gia của đại diện các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo... Do tính chất liên minh, liên hiệp rộng rãi của Mặt trận, nên có thể nói trong hệ thống chính trị nước ta, MTTQ Việt Nam là tổ chức có nhiều điều kiện thuận lợi hơn cả để thực hiện công tác hiệp thương. Bên cạnh đó, xuất phát từ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam - hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động. Với một tổ chức có các thành viên là tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có cơ sở xã hội rộng lớn; với nguyên tắc tổ chức và hoạt động như vậy, rõ ràng MTTQ Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để thay mặt nhân dân giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Các đại biểu biểu quyết tại Hội nghị hiệp thương lần thứ 2.
Quy trình hiệp thương về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 gồm năm bước, đó là: (1)Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, hành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 03 tháng 02 năm 2021 đến ngày 17 tháng 02 năm 2021. (2) Cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 02 năm 2021 đến ngày 11 tháng 3 năm 2021. (3) Hội nghị hiệp thương lần thứ hai lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 15 tháng 3 năm 2021 đến ngày 19 tháng 3 năm 2021. (4) Tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 21/3/2021 đến ngày 13/4/2021. (5) Tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 14/4/2021 đến ngày 18/4/2021.
Các bước hiệp thương được quy định tổ chức với một trình tự, thủ tục chặt chẽ, cụ thể nhưng đảm bảo dân chủ, công bằng góp phần lựa chọn những người xứng đáng để cử tri bầu vào các cơ quan quyền lực nhà nước.Tại các cuộc bầu cử thời gian gần đây, MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức các hội nghị hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đảm bảo dân chủ và đúng luật; đây là kết quả quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của cuộc bầu cử và đảm bảo chất lượng của đại biểu.
Để bảo đảm và phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân thì vai trò của MTTQ trong bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp là không thể thiếu và vô cùng quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta tin tưởng rằng, qua các bước hiệp thương, những người ứng cử do MTTQ các cấp lựa chọn đều có đủ tiêu chuẩn, đảm bảo được cơ cấu thành phần đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.