Để các hội đồng tư vấn của Uỷ ban MTTQ tỉnh hoạt động tốt
Ngày đăng:07-09-2009
Uỷ ban MTTQ tỉnh Bắc Giang có 4 Hội đồng tư vấn (HĐTV), gồm HĐTV Dân chủ - Pháp luật, HĐTV Văn hoá - xã hội, HĐTV về Kinh tế và HĐTV Dân tộc và Tôn giáo. Sau mỗi đại hội nhiệm kỳ, khi xây dựng quy chế làm việc của mình, Uỷ ban MTTQ tỉnh cũng đồng thời xem xét, quyết định thành lập hoặc củng cố lại các HĐTV. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là làm sao nâng cao kết quả hoạt động các HĐTV, đáp ứng được yêu cầu, chủ trương đặt ra?
Uỷ ban MTTQ tỉnh Bắc Giang có 4 Hội đồng tư vấn (HĐTV), gồm HĐTV Dân chủ - Pháp luật, HĐTV Văn hoá - xã hội, HĐTV về Kinh tế và HĐTV Dân tộc và Tôn giáo. Sau mỗi đại hội nhiệm kỳ, khi xây dựng quy chế làm việc của mình, Uỷ ban MTTQ tỉnh cũng đồng thời xem xét, quyết định thành lập hoặc củng cố lại các HĐTV. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là làm sao nâng cao kết quả hoạt động các HĐTV, đáp ứng được yêu cầu, chủ trương đặt ra?
HĐTV là tổ chức chuyên môn không chuyên trách có nhiệm vụ giúp Uỷ ban MTTQ tỉnh nghiên cứu, đề xuất ý kiến với tổ chức đảng, chính quyền những vấn đề về chủ trương, chính sách, pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Uỷ ban MTTQ tỉnh. Có thể khẳng định, HĐTV là hình thức tổ chức thích hợp nhất, phù hợp với đặc điểm bộ máy và phương thức hoạt động của Uỷ ban MTTQ tỉnh.
Thành lập các HĐTV của Uỷ ban MTTQ tỉnh là yêu cầu thực tế khách quan của công tác Mặt trận, là một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục "bệnh" hình thức hoá hoạt động của Mặt trận. Đây là những tổ chức không chuyên trách, tự nguyện liên minh, liên kết trong hoạt động của mặt trận, một hoạt động mang tính xã hội rộng rãi và linh hoạt, nhưng lại có hiệu quả cao.
Trong tình hình hiện nay, MTTQ có hai chức năng cơ bản là tập hợp đoàn kết toàn dân tộc và phát huy dân chủ xã hội. Hai chức năng đó có mối quan hệ gắn bó mật thiết và tác động biện chứng với nhau. Mặt trận cần thể hiện rõ là tổ chức của dân, do dân, vì dân, bằng cách dựa trên cơ sở thấu hiểu quyền lợi và lợi ích chính đáng của nhân dân. Không chỉ bằng khẩu hiệu động viên mà có thể tập hợp, đoàn kết được, mà phải bằng hành động thiết thực để mang lại quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân để đoàn kết không bỏ sót một ai trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Sự hình thành các HĐTV của Uỷ ban MTTQ tỉnh cũng chính là xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ về lĩnh vực do Hội đồng phụ trách. Để hoạt động của các HĐTV có hiệu quả, xin đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, mỗi HĐTV phải dựa trên tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình của các thành viên trong hội đồng. Điều đó phản ánh đúng đắn về nhận thức của mỗi thành viên về vị trí, vai trò của HĐTV đối với hoạt động của Uỷ ban MTTQ tỉnh, từ đó chủ động nghiên cứu, khảo sát, đề xuất những vấn đề cần thiết đã và đang đặt ra trong cuộc sống tác động đến các tầng lớp nhân dân ở địa phương, mà Uỷ ban MTTQ nói chung, Uỷ ban MTTQ tỉnh nói riêng quan tâm.
Thứ hai, hoạt động của HĐTV phụ thuộc vào trình độ và năng lực chuyên sâu của mỗi thành viên về lĩnh vực tư vấn của Hội đồng; đồng thời mỗi thành viên phải là người có bản lĩnh chính trị, năng động, sáng tạo, nhạy bén trong phát hiện vấn đề, biết cách đưa ra những ý kiến tư vấn có chất lượng.
Thứ ba, nguyên tắc để lựa chọn nội dung các vấn đề tư vấn là phải dựa vào chức năng, nhiệm vụ của HĐTV. Hội đồng tư vấn là tổ chức không chuyên trách, nên phương thức hoạt động của nó không giống với Ban chuyên môn (chuyên trách) của Uỷ ban MTTQ tỉnh. HĐTV chỉ lựa chọn những vấn đề thuộc chủ trương, chính sách, pháp luật để đưa vào chương trình hoạt động của mình.
Thứ tư, sinh hoạt của HĐTV nên đa dạng hoá các hình thức, có thể chia nhỏ thành các tổ, hoặc mỗi thành viên nghiên cứu, tìm hiểu chuyên sâu một (hoặc một số) vấn đề.
Thứ năm, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi cho các HĐTV hoạt động một cách chủ động như: Cung cấp thông tin, tư liệu đầy đủ và kịp thời, cần thiết, tạo điều kiện về phương tiện đi lại và hỗ trợ một phần kinh phí nhất định cho hoạt động của mỗi HĐTV.