Người Bắc Giang thời nào cũng có những người con ưu tú, cống hiến cho Tổ quốc, xứng đáng là con Lạc, cháu Hồng, từ các Trạng nguyên, Tiến sĩ, đến anh hùng, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... Trong muôn ngàn những bông hoa đẹp ấy có một tăng ni cả cuộc đời sống tốt đời, đẹp đạo, đó là: Ni trưởng Thích Đàm Ánh.
Người Bắc Giang thời nào cũng có những người con ưu tú, cống hiến cho Tổ quốc, xứng đáng là con Lạc, cháu Hồng, từ các Trạng nguyên, Tiến sĩ, đến anh hùng, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... Trong muôn ngàn những bông hoa đẹp ấy có một tăng ni cả cuộc đời sống tốt đời, đẹp đạo, đó là: Ni trưởng Thích Đàm Ánh.
Bé Đỏ tên đầy đủ là Đào Thị Đỏ sinh ra tại làng Châu Xuyên, Phủ Lạng Thương, (nay là thành phố Bắc Giang). Thân phụ là cụ Đào Văn Liêu, thân mẫu cụ Hoàng Thị Bẹt. Bé Đỏ xuất thân trong một gia đình mà bà ngoại rất mộ đạo, kính tín phật pháp. Từ lúc còn nhỏ, bà ngoại đã tập cho bé Đỏ ăn chay, khi bé Đỏ biết nói được bà dạy tụng kinh. Mười tuổi, bé Đỏ nằng nặc xin bà ngoại cho được đi tu. Nhận thấy cháu có duyên với cửa Phật bà đã gửi bé Đỏ lên chùa Âm Hồn, Phủ Lạng Thương để đi tu, và từ đó cái tên bé Đỏ được thay bằng Thích Đàm Ánh.
Cuối năm 1947, Sư cô Đàm Ánh chính thức trụ trì chùa Phù Lưu, bấy giờ sư cô mới 21 tuổi. Ngoài việc tu nghiệp, sư Đàm Ánh còn tham gia vào Hội Phật giáo cứu quốc khơi dậy lòng yêu nước trong thanh niên và các nhà tu hành. Ni cô Đàm Ánh đã tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ cùng với các ni cô trong chùa dựng vở kịch "Cà sa giết giặc" đi biểu diễn trong khu vực nội thành Hà Nội và các huyện lân cận. Một lần ông Mạnh Can, Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc giao cho sư Đàm Ánh và một sư nữ xuống chùa Gióng làng Kiến Sơ lấy tài liệu về tuyên truyền kháng chiến. Vừa vào tới chùa, hai sư cô chứng kiến cảnh Sư Bác bị giặc Pháp giết hại nên đành giả vờ như người qua đường. Nhưng vừa đi được vài trăm mét thì bị bọn giặc xông đến bắt, một tên đập báng súng vào đầu sư Đàm Ánh làm Sư ngất lịm, ai cũng tưởng sư đã chết. May mà có ông trưởng nhạc là chú ruột của Sư bà Đàm Dung ở chùa Xã Đàn nhận ra hai Sư cô là người quen, xin nhận đưa về làng mai táng, và phát hiện Sư Đàm Ánh còn sống. Dân làng và gia đình ông trưởng nhạc giả vờ làm đám ma cho Sư cô Đàm Ánh, để tránh sự theo dõi của bọn Việt gian, ngầm giấu Sư cô trong căn hầm để chữa trị rồi báo cho ông Mạnh Can bí mật đón hai Sư về chùa Phù Lưu.
Sư cô Đàm Ánh vừa chăm chỉ theo lớp Phật học, vừa tham gia công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia kháng chiến. Sư được bầu làm Bí thư đoàn Hội Phật giáo cứu quốc huyện Kim Anh (nay là huyện Sóc Sơn). Cuối khóa học, Sư cô Đàm Ánh đỗ thủ khoa nên được trường giữ lại làm giáo viên.
Giữa năm 1950, Sư Đàm Ánh và Sư Tuệ được gửi đi học Đại học Phật giáo ở Trung Quốc song được tin quân Pháp nhẩy dù xuống Việt Bắc, Thái Nguyên nên không đi nữa, ở lại chùa Bích Lưu rồi về chùa Lủ thì bị giặc bắt, nhờ có nhân dân giúp đỡ nên hai nhà sư đã trốn được về chùa Xã Đàn tu ở đó.
Năm 1976 cụ tổ của chùa Phụng Thánh ốm nặng phải lên chùa Quảng Bá chữa bệnh và viên tịch ở đó. Ni trưởng Đàm Ánh được bổ nhiệm trụ trì.
Chùa Phụng Thánh tọa lạc tại đường ngõ chợ Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội. Năm 1972, giặc Mỹ đã dùng máy bay B52 rải thảm hòng huỷ diệt Thủ đô Hà Nội, chùa Phụng Thánh cũng nằm trong trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ. Chùa này khởi đầu do vua nhà Lý ban sắc chỉ. Ban đầu Sư cụ Thích Mậu Phái (thế danh là Nguyễn Văn Phái) từ chùa Quảng Bá đến trụ trì, chùa Phụng Thánh ở nơi khuất vắng nên đã được chọn làm nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng. Chùa là trạm giao liên đón tiếp cán bộ từ các nơi về Hà Nội hoạt động, từng nuôi giấu các cán bộ của Đảng như: Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu... Chùa đã được Nhà nước cấp bằng ghi công.
Từ năm 1995 đến 1997, Sư Đàm Ánh cho tu tạo chùa. Ni trưởng cho thiết đặt nhiều pho tượng tại chùa chính, Phụng Thánh tự, Tòa Đại Hùng cũng được tôn tạo trang nghiêm, đền thờ Trần Hưng Đạo và Liễu Hạnh Tiên Chúa rồi nhà tổ, nhà vong, nhà giảng kinh, nhà tĩnh tâm, nhà khách đều được chỉnh trang rộng rãi, đẹp đẽ. Tháng 3 năm 2000, một công trình lớn được hoàn thành đó là quả đại hồng chuông bằng đồng nặng 600kg đã được đúc xong.
Hơn tám mươi tuổi đời, Ni trưởng Thích Đàm Ánh đã tích cực cống hiến cho cách mạng và nền phật học Việt Nam. Ni trưởng cho biết: "Cả cuộc đời tôi phụng sự cho Phật giáo Việt Nam. Chúng tôi đang xây dựng pho tượng Quan Âm Bồ Tát bằng đồng nặng một tấn, cao 2,7 mét, toàn bộ pho tượng được dát vàng, tượng được đặt trên tháp có tám trụ, đứng giữa tòa sen. Tượng Quan Âm hiện nay được đánh giá là cao nhất và đẹp nhất Hà Nội. Pho tượng này do ông Bùi Xuân Dấu giúp thiết kế, Công ty Đúc đồng Hải Phòng thực hiện. Tượng đức Quan âm sẽ hoàn thành vào dịp lễ hội 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Chùa Phụng Thánh còn là nơi lưu giữ những bộ kinh điển quý báu, Ni trưởng Đàm Ánh đã phát nguyện, ấn tống lưu giữ những bộ kinh cơ bản để giúp cho người đời hiểu rõ về giáo lý phật đà. Hạnh nguyện của Ni trưởng Thích Đàm Ánh là: Làm việc phúc thiện. Ngay từ hồi mới mười tuổi tu ở chùa Âm Hồn Bắc Giang, Đàm Ánh đã có lần một mình lên trại phong của tỉnh tặng mỗi người một đồng tiền Đông Dương; sư đã đi vận động các chùa xây dựng hũ gạo tiết kiệm, mỗi ngày nấu cơm bớt ra một ít gạo để giúp đỡ người nghèo khổ. Năm 1977, được tin lũ lụt ở Cà Mau, Ni trưởng tổ chức đưa đoàn Phật tử cùng với đại diện Mặt trận Tổ quốc quận Đống Đa vào tận Đầm Dơi, Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cứu trợ. Rồi đồng bào miền Trung bị lũ lụt, Ni trưởng lại tổ chức đi cứu trợ cho các tỉnh: Quảng Trị, Bình Định, Quảng Ngãi, trao tặng quần áo, chăn màn, thức ăn, tiền bạc. Sư đã tới thăm tặng quà cho 190 bệnh nhân phong ở Chí Linh (Hải Dương), thăm người già, trẻ tàn tật ở Ba Vì, Hà Nội. Ni trưởng tâm nguyện: "Cứu một người Phúc đẳng hà sa". Riêng năm 2009 Ni trưởng đã tặng cho Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Bắc Giang 10 nhà tình nghĩa, 10 con trâu bò và 200 triệu đồng.
Ni trưởng Thích Đàm Ánh - một tấm gương sáng tốt đời đẹp đạo. Nhân dân ở khu vực chùa Phụng Thánh (Khâm Thiên) cũng như các phật tử xa gần đều kính mến đức hạnh của Ni trưởng Đàm Ánh, nhiều năm Ni trưởng Đàm Ánh tham gia công tác ở quận Đống Đa, Hà Nội với những chức vụ: Phó Đại diện Phật giáo quận, đại biểu Hội đồng nhân dân quận, Ủy viên Mặt trận tổ quốc quận, Ủy viên Ban chấp hành Hội chữ thập đỏ. Bất kể ở cương vị nào Ni trưởng Đàm Ánh cũng tỏa sáng. Phần thưởng cao quý nhất dành cho Ni trưởng Thích Đàm Ánh là năm 2006 Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhân dân Bắc Giang đáng tự hào có một Ni cô luôn làm đẹp cho đời, cho nhân dân, cho xã hội. Ni trưởng xứng đáng là một bông hoa đẹp nở giữa vườn hoa Thăng Long - Hà Nội.