Mặt trận Tổ quốc với phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc
Ngày đăng:29-07-2020
Thời gian qua, Ủy ban MTTQ các cấp đã có nhiều đổi mới công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội dung và hình thức; đã tổ chức lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các nghị quyết liên tịch, Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm với các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời phối hợp thực hiện có hiệu quả trong kiện toàn, củng cố và xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Đồng chí Trịnh Hữu Bàn,Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phát biểu tại Hội nghị sơ kết
MTTQ các cấp phối hợp tuyên truyền các hoạt động phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên Báo Bắc Giang, Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, Trang thông tin điện tử Uỷ ban MTTQ tỉnh và các thành viên của Mặt trận; phát hành cuốn thông tin công tác Mặt trận tỉnh đến các khu dân cư,… nhằm thông tin, tuyên truyền các hoạt động phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội đến các hộ gia đình và từng người dân nâng cao tinh thần cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. 6 tháng đầu năm 2020, MTTQ tỉnh đã phối hợp tuyên truyền 12 chuyên đề, phóng sự; 140 tin, bài, phát hành 2.341cuốn thông tin công tác Mặt trận; tổ chức 04 lớp tập huấn cho trên 600 đại biểu là Ban Trị sự Hội phật giáo tỉnh và cấp huyện, các tăng, ni và các đại biểu Ban công tác Mặt trận khu dân cư. Nội dung tuyên truyền là các văn bản của Trung ương, của tỉnh về kết quả cũng như các nội dung, giải pháp trong công tác phòng chống tội phạm trên các lĩnh vực; về phong trào BVANTQ; nhất là nội dung liên quan đến ma túy, buôn bán người; vai trò của MTTQ, các tổ chức thành viên trong phong trào BVANTQ;…
Tiếp tục phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên của Mặt trận và Công an cùng cấp củng cố, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ quần chúng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 3.678 mô hình tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở cơ sở. Tiêu biểu như: các cấp Hội phụ nữ duy trì các mô hình an toàn cho phụ nữ và trẻ em, câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; Hội Cựu chiến binh tỉnh chỉ đạo Hội Cựu chiến binh các huyện, thành phố vận động hội viên lắp camera an ninh, Barie và tổ chức hệ thống kẻng báo động đã phát huy hiệu quả trong việc phòng ngừa trộm cắp ở địa phương; Tỉnh đoàn Thanh niên chỉ đạo các cơ sở đoàn đăng ký giúp đỡ thanh, thiếu niên chậm tiến; duy trì mô hình “Đoàn thanh niên tình nguyện thắp sáng niềm tin”, Câu lạc bộ “Tuổi trẻ với pháp luật”;Hội Nông dân tiếp tục duy trì hoạt động Câu lạc bộ “Gia đình nông dân hạnh phúc”; “Nông dân với pháp luật”; “Nông dân phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội”; Hội người cao tuổi tỉnh chỉ đạocác cấp hội triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình “Tổ liên gia tự quản về ANTT”, “Gia đình, dòng họ không có người mắc tệ nạn xã hội”, ...
Cùng với đó, MTTQ các cấp phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng, trưởng các dòng họ; chức sắc tôn giáo tại cộng đồng;tập trung làm tốt công tác phối hợp thực hiện nhận giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư; thực hiện các giải pháp tái hòa nhập cộng đồng cho những người chấp hành xong án phạt tù; phối hợp lập hồ sơ đưa đối tượng vào quản lý giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng; đối tượng đi cai nghiện tập trung; cai nghiện tại cộng đồng; vận động đối tượng bị truy nã, phạm tội ra đầu thú; ... góp phần giữ vững công tác ANTT ở từng địa phương, cơ sở.
Để góp phần thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vào phong trào BVANTQ, MTTQ và các tổ chức thành viên tiếp tục phối hợp với các ngành thành viên BCĐ, nhất là ngành công an tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các tầng lớp nhân dân; nội dung, hình thức phải phù hợp với từng đối tượng cụ thể; phương pháp tuyên truyền gắn nêu gương những tập thể, cá nhân điển hình; những mô hình, cách làm hay trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội ngay tại cộng đồng dân cư; gắn thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân BVANTQ” giai đoạn 2020-2025 với các nội dung cuộc vận động “Toàn dân ĐKXDNTM, đô thị văn minh”.
Ủy ban MTTQ, các tổ chức thành viên của Mặt trận xác định việc xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ tự quản đang hoạt động tại cộng đồng và các cá nhân điển hình, tiêu biểu ở cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm; từ đó có kế hoạch cụ thể rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng các mô hình, câu lạc bộ tự quản; định kỳ biểu dương, động viên, khen thưởng kịp thời nhân dịp tổ chức "Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc " - 19/8 và ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11 hằng năm.
MTTQ phối hợp với Ban Chỉ đạo cùng cấp lập danh sách cụ thể đối tượng cần giúp đỡ, phân công tổ chức, cá nhân trong công tác cảm hóa, giúp đỡ người phạm tội, lầm lỗi, tha tù... khi họ trở về địa phương; tạo việc làm, thu nhập ổn định để họ tái hòa nhập cộng đồng; đồng thời thường xuyên giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về thực hiện các nội dung của phong trào tại địa phương.
Tiếp tục phát huy vai trò của người cao tuổi, người có uy tín, trưởng các dòng họ; các chức sắc tôn giáo,... trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; làm tốt công tác hòa giải ngay từ cơ sở, trong từng gia đình, dòng họ; từ đó sẽ làm giảm các loại tội phạm phát sinh từ nguyên nhân xã hội; góp phần xây dựng và giữ vững danh hiệu "Khu dân cư văn hóa" và "Gia đình văn hóa", đảm bảo an ninh trật tự ở từng địa phương, đơn vị; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ngày càng vững mạnh.