Đồn Phồn Xương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang - nơi diễn ra biết bao trận đánh vô cùng quả cảm của nghĩa quân Đề Thám, từng khiến quân giặc bạt vía kinh hồn, nay đã là một mảnh đất bình yên, xanh thẳm những đồi chè, nương ngô, bãi sắn. Mừng hơn là giữa bạt ngàn màu xanh ấy tiếng hát Soong hao tha thiết của người Nùng đã và đang được chính quyền, nhân dân Phồn Xương gìn giữ, phát huy như một báu vật của quê nhà.
Đồn Phồn Xương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang - nơi diễn ra biết bao trận đánh vô cùng quả cảm của nghĩa quân Đề Thám, từng khiến quân giặc bạt vía kinh hồn, nay đã là một mảnh đất bình yên, xanh thẳm những đồi chè, nương ngô, bãi sắn. Mừng hơn là giữa bạt ngàn màu xanh ấy tiếng hát Soong hao tha thiết của người Nùng đã và đang được chính quyền, nhân dân Phồn Xương gìn giữ, phát huy như một báu vật của quê nhà.
Trưởng ban công tác Mặt trận cũng "say” hát
Tiếng hát Soong hao của người Nùng Phàn Xình đã đưa chúng tôi đến thôn Đồng Nhân để được nghe trực tiếp các bà, các chị trong câu lạc bộ hát Soong hao ở đây biểu diễn. Trong thôn có trên 600 nhân khẩu nhưng chủ yếu là người Nùng, người Nùng Cháo thì có hát Lượn, người Nùng Phàn Xình hát Soong hao, những giai điệu không cần nhạc đệm ấy từ bao đời nay vẫn được người dân nơi đây gìn giữ. Dù là tiếng hát Lượn hay hát Soong hao thì giai điệu của bài dân ca Nùng vẫn tha thiết, say đắm lòng người : "Pê hạc pén ma cà nả sở, Kín càng say toong bô mi hơ?” ("Tôi gặp được bạn trong phiên chợ này, hỏi xem bạn đã có người yêu chưa?”).
Một điều thật bất ngờ là trong thôn Đồng Nhân không chỉ có người dân yêu văn nghệ mà cả ban lãnh đạo thôn, ban công tác Mặt trận cũng "say” với tiếng hát Soong hao. Ông Phan Tiến Hòa, Bí thư chi bộ thôn kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận là một ví dụ điển hình. Không chỉ hướng dẫn bà con trong thôn biết gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, mà bản thân ông cũng trở thành một trong những thành viên tích cực tham gia xây dựng và hoạt động với câu lạc bộ hát Soong hao của thôn. Trong gia đình ông Hòa còn có mẹ là bà Hoàng Thị Ba năm nay đã ngoài 80 tuổi và chị gái Phan Thị Săn (60 tuổi) là những người biết hát Soong hao nhiều nhất của thôn. Ông Hòa không chỉ vận động mẹ và chị gái tích cực dạy hát mà bản thân ông cũng mang vốn liếng hát Soong hao của mình để truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Giờ đây đội dân ca hát Soong hao của thôn đã có gần 30 người, gồm nhiều thế hệ cùng tham gia. Người cao tuổi nhất trong đội văn nghệ là bà Nông Thị Liên năm nay đã ngoài 70 tuổi, người ít tuổi nhất là các cháu nhỏ chưa đầy 10 tuổi. Ngoài những ngày nông nhàn, ngày nghỉ lễ, đội dân ca sinh hoạt hát cùng nhau, vì thế hoạt động truyền dậy hát dân ca Nùng vẫn luôn được duy trì trong mỗi nếp nhà ở đây.
Soong hao "sống” trong các cuộc vận động
Nhiều năm trước, phong trào hát dân ca của bà con trong bản Đồng Nhân đang ngày càng bị mai một, thanh niên hầu như không ai biết hát những điệu dân ca của dân tộc mình, nhất là những bài lời cổ. Bà Nông Thị Tỉ hiện là chủ nhiệm Câu lạc bộ Soong hao đã cùng với nhiều người trong thôn đầu tư công sức ghi lại những bài Soong hao cổ để truyền lại cho con cháu trong thôn. Những bài hát được sưu tầm do bà và các thành viên nhớ lại mà chép ra, hoặc hỏi những người già trong thôn, dường như ai cũng thuộc dăm bảy bài Soong hao cổ.
Thời gian không phụ người có tâm, các bà đã ghi chép, thu thập được hàng trăm bài dân ca Nùng để dạy lại cho lớp trẻ trong thôn. Kết quả là đã có hơn chục cháu nhỏ trong thôn đã biết hát và hát say sưa những bài dân ca của dân tộc mình, cũng đủ để tham gia những ngày hội của xã, của huyện tổ chức. Bà Nông Thị Khoa- Trưởng thôn Đồng Nhân cho biết: Dù không có kinh phí hoạt động nhưng phong trào hát dân ca Nùng trong thôn vẫn được mọi người tham gia tích cực, không ai tiếc công sức của mình để truyền dạy cho thế hệ sau.
Ông Trưởng ban công tác Mặt trận Phan Tiến Hòa còn "bật mí”, bà con Đồng Nhân còn biết "làm mới” Soong hao theo cách rất riêng. Đó là vận động cùng sáng tác lời mới cho các điệu hát gắn với nhiều cuộc vận động của Mặt trận như vận động mọi người hăng say sản xuất, xóa đói giảm nghèo, sinh đẻ có kế hoạch, không mời thày cúng chữa bệnh, không làm ma chay tốn kém... Nhờ thế, qua lời ca tiếng hát, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã được bà con trong thôn nhiệt tình hưởng ứng và đạt hiệu quả.
Chia tay những thành viên trong đội văn nghệ hát Soong hao trong tâm trạng lưu luyến. Những bà, những cô, những chú, những anh chị em trong trang phục dân tộc hát bài từ biệt, hẹn ngày gặp lại. Trong lòng bỗng rộn ràng một niềm vui ấm áp lạ kì với một niềm tin vững chắc: Đất Phồn Xương đang thay da đổi thịt, cuộc sống không chỉ có nhọc nhằn mưu sinh mà tiếng hát vẫn mãi ngân xa.