Vai trò của MTTQ trong việc tập hợp thành viên, hội viên, đoàn kết các dân tộc; thực hiện chính sách dân tộc và củng cố khối đại đoàn kết ở vùng dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
Ngày đăng:10-10-2019
Trong thời gian vừa qua thực hiện kết luận của Đoàn chủ tịch UB TƯ MTTQVN về đổi mới nội dung phương thức hoạt đông của MTTQ các cấp trong công tác dân tộc. Để làm tốt vai trò của MTTQ trong việc tập hợp thành viên, hội viên đoàn kết các dân tộc; thực hiện chính sách dân tộc và củng cố khối đại đoàn kết ở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc.Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Hằng năm Uỷ ban MTTQ tỉnh đã triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động đối với công tác dân tộc đến MTTQ các huyện, thành phố. Tổ chức ký kết chương trình phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến đa dạng, phong phú như: tuyên truyền thông qua Báo, Đài, Trang thông tin điện tử; thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các hội thi, hội nghị, các cuộc họp thôn bản, khu phố, sinh hoạt chi đoàn, chi hội. Đặc biệt coi trọng tuyên truyền thông qua đội ngũ người có uy tín và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của MTTQ các cấp, (toàn tỉnh hiện có 539 người), đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên (hiện nay toàn tỉnh có 246 báo cáo viên, trong đó cấp tỉnh 07, cấp huyện: 27, cấp xã: 230) và 2.730 tuyên truyền viên ở cơ sở và Ban công tác Mặt trận khu dân cư.
Đồng chí Trần Công Thắng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh phát biểu tại Đại hội
Thực hiện vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”Trong 5 năm vừa qua đã phối hợp xây dựng được 1.963 mô hình tự quản, trong đó có 1.090 mô hình về an ninh Tổ quốc, 420 mô hình bảo đảm về an toàn giao thông, 453 mô hình xử lý chất thải tại cộng đồng. Toàn tỉnh vận động nhân dân hiến đất trên 152 ha đất, tháo dỡ 35.335 m2 tường rào xây dựng đường giao thông và các công trình phúc lợi; hỗ trợ hàng chục nghìn ngày công, xây dựng hàng nghìn km đường giao thông nông thôn; tham gia dồn điền, đổi thửa 15.567 ha, xây dựng 165 cánh đồng mẫu. Đến nay đã vận động xây dựng 1.831 nhà đại đoàn kết cho người nghèo, vận động quỹ vì người nghèo và các chương trình an sinh xã hội được trên 168 tỷ đồng, 100% hộ nghèo đều có quà tết.
Công tác tuyên truyền, vận động của MTTQ và các tổ chức thành viên được quan tâm, đổi mới nội dung, hình thức, tăng về số lượng, nâng cao chất lượng tuyên truyền. Hằng tháng, quý, MTTQ và các tổ chức thành viên có báo cáo phản ánh tình hình nhân dân với cấp ủy và Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ cấp trên. Hướng dẫn tổ hòa giải nắm tình hình, chủ động tháo gỡ, giải quyết những mâu thuẫn, các vụ việc nổi cộm, phức tạp ngay tại địa phương.
MTTQ tỉnh đã Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện chuyên mục “Đại đoàn kết” phát sóng thường kỳ hàng tháng. Đăng các tin, bài trên Báo Bắc Giang, Báo Đại đoàn kết; Trang thông tin điện tử MTTQ tỉnh; định kỳ hàng quý phát hành cuốn Thông tin công tác Mặt trận đến 2.455 khu dân cư. Ký các chương trình phối hợp tuyên truyền với Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Hội Văn học nghệ thuật, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Đại đoàn kết để thực hiện công tác tuyên truyền giai đoạn 2015-2020.
MTTQ tỉnh phối hợp Sở Tư pháp thực hiện đánh giá, sơ kết, tổng kết việc xây dựng hương ước, quy ước; rà soát các quy định của pháp luật hiện hành về hương ước, quy ước. MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp đưa vào hương ước, quy ước vận động, thuyết phục các hộ gia đình văn hóa phải có cam kết chấp hành đúng quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các sinh hoạt cộng đồng khác. Bên cạnh đó tuyên truyền lồng ghép và các hội nghị, sinh hoạt tổ dân phố, trên hệ thống loa truyền thanh về gương người tốt, việc tốt, các điển hình về xây dựng gia đình văn hóa; làng, bản, tổ dân phố văn hóa.... được triển khai thường xuyên, tạo sự hưởng ứng đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân
Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh xây dựng Kế hoạch phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh về tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế; toàn tỉnh đã có trên 1,5 triệu người tham gia BHYT (đạt 98,5%); tuyên truyền nhân dân tham gia phong trào luyện tập thể dục thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại, toàn tỉnh tỷ lệ người tập thể dục thể thao thường xuyên là 32%, số câu lạc bộ thể thao là 2.123 câu lạc bộ.
Hướng dẫn MTTQ các cấp phát triển và nhân rộng mô hình “Khu dân cư tự quản về bảo vệ môi trường”. Hiện nay toàn tỉnh có 2.523 tổ tự quản bảo vệ môi trường với 16.054 thành viên tham gia.
Thường xuyên hướng dẫn Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư làm tốt vai trò chủ trì để rà soát bổ sung, thay thế người có uy tín vào dịp ngày18/11 (Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc), đồng thời lựa chọn người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thực sự tiêu biểu, có năng lực.
Hằng năm, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và thường xuyên thông tin cho người có uy tín về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, kiến thức về an ninh, quốc phòng. Định hướng cho người có uy tíntrong công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước; xóa bỏ các tập quán, tục lệ lạc hậu, tốn kém trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách hiện hành đối với người có uy tín như: tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết, lễ của các dân tộc thiểu số; động viên kịp thời khi ốm đau, già yếu, gia đình gặp khó khăn; tổ chức đi thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm các mô hình phát triển trong và ngoài tỉnh; biểu dương những người có uy tín có thành tích xuất sắc trong công tác vận động tại địa phương. Năm 2018, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại, tuyên truyền và gặp mặt biểu dương người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp Ban Dân tộc tỉnh tổ chức 6 Hội nghị tuyên truyền cho 833 vị là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Để thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng có chất lượng, hiệu quả, trong thời gian tới MTTQ các cấp cần tập trung thực hiện tốt bốn nội dung, giải pháp sau đây:
Thứ nhất, Tiếp tục triển khai thực hiên tốt chương trình phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp, với các cơ quan chức năng về công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc.Đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ người có uy tín tiêu biểu và đội ngũ ủy viên Uỷ ban MTTQ các cấp; thông qua ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân ở khu dân cư” nhân dịp kỷ niêm ngày thành lập MTDTTN Việt Nam (18/11) hàng năm và các lễ, hội của đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh những gương tốt, việc tốt trong đội ngũ người có uy tín tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai, tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở trong việc triển khai, thực hiện lồng ghép các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước phù hợp với đặc điểm, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, khắc phục tình trạng chồng chéo, hình thức; hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, xây dựng và nhân rộng các điển hình, mô hình trong các lĩnh vực về chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, xây dựng trang trại, đồi rừng,...giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy nội lực, vai trò tự quản tại các khu dân cư, động viên ý thức vươn lên, khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước.
Thứ ba, chủ động giám sát và chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị rà soát, giám sát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các chính sách đã ban hành, tập trung là các chính sách về xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, y tế, môi trường và văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn của Uỷ ban MTTQ các cấp; phát huy vai tro của đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên và Ban thanh tra nhân dân, tăng cường công tác giám sát đầu tư cộng đồng ở các khu dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số đối với các chính sách về dân tộc và công tác dân tộc.
Thứ tư, tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và thường xuyên cập nhật thông tin cho người có uy tín, tiêu biểu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, kiến thức về an ninh, quốc phòng; xóa bỏ các tập quán, tục lệ lạc hậu, tốn kém trong đồng bào dân tộc thiểu số.