Xây tâm thế, tạo sinh lực mới cho khối Đại đoàn kết
Ngày đăng:15-07-2019
Trong 5 năm (2014 - 2019), Uỷ ban MTTQ tỉnh Bắc Giang đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Giang phát triển bền vững.
Điểm nổi bật trong triển khaiCuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; chương trình giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả; Với cách làm huyện "điểm", xã "điểm"; tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đối với xã nghèo, huyện nghèo,... qua đó khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá trong cộng đồng các khu dân cư. Toàn tỉnh có 186 mô hình phát triển sản xuất; 52 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng và tiềm năng.
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp nhận ủng hộ, của các đơn vị, doanh nghiệp trong chương trình "Tết vì người nghèo"
Trong phong trào "Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới", MTTQ các cấp, nhất là Ban công tác mặt trận khu dân cư đã thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia bàn bạc, hiến đất, góp công, góp của để xây dựng nông thôn mới qua đó đưa tiêu chí bình quân của tỉnh 15,2 tiêu chí/xã; tỉnh hiện có 01 huyện, 93 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 84 thôn nông thôn mới.; 16 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Đồng hành với "Bắc Giang chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", việc tổ chức huy động quỹ “Vì người nghèo” được triển khai linh hoạt, sáng tạo, thu hút sự hưởng ứng của toàn xã hội... 5 năm qua, đã huy động được trên 150 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa được 2.066 nhà "Đại đoàn kết" tặng hộ nghèo; đến nay trên địa bàn tỉnh đã cơ bản không còn nhà tạm, nhà rột nát; hỗ trợ giống vốn, tư liệu sản xuất trị giá trên 70 tỷ đồng; hỗ trợ giáp hạt, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó trị giá trên 60 tỷ đồng. Chương trình vận động “Tết vì người nghèo” trở thành nề nếp, nét đẹp văn hóa trong nhân dân và cộng đồng xã hội, hằng năm 100% số hộ nghèo được thăm và tặng quà tết.
Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhiệm kỳ qua,Mặt trận tỉnh đã tổ chức hiệp thương dân chủ, lựa chọn giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND, Hội thẩm nhân dân đảm bảo tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu, thành phần.
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được triển khai nghiêm túc, bài bản từ việc phối hợp tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các doanh nghiệp, HTX, phát triển ngành nghề... tới việc xây dựng các thương hiệu nông sản địa phương; đẩy mạnh xúc tiến hàng nông sản,... đến nay đã có trên 90% người tiêu dùng trong tỉnh quan tâm, mua sắm, tiêu dùng hàng Việt.
Kết quả công tác Mặt trận đã đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh giai đoạn 2016 - 2018 đạt 13,3%/năm, thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 2.300 USD, nằm trong nhóm các tỉnh có mức thu nhập bình quân đầu người đứng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm Y tế năm 2018 đạt 98,5%, cao hơn bình quân chung cả nước.
Kế thừa những kết quả đó, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2019 - 2024 phải tiếp tục xây tâm thế, tạo sinh lực mới cho khối Đại đoàn kết; thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân; tạo sự đồng thuận giữa Đảng và nhân dân thông qua việc quan tâm, lắng nghe, phản ánh tâm tư nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, tham gia giải quyết những vấn đề xã hội, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải ở cấp cơ sở, tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân, tạo nên động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế ở địa phương.
Công tác Mặt trận trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục đổi mới về hình thức, nội dung trong triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp ngay từ cơ sở, địa bàn khu dân cư, trong từng tổ chức thành viên. Mặt trận phải nghiên cứu và đưa ra các dự báo trong thay đổi về cơ cấu xã hội, các giai tầng phù hợp với xu thế và nhu cầu phát triển, hội nhập, từ đó sẽ có những ứng phó và đề xuất hợp lý với cấp ủy, chính quyền.
Phải quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội. Các nội dung giám sát phải gắn liền với yêu cầu thực tế tại địa phương và phải đeo bám đến cùng từng vụ việc. Cần nắm chắc các vấn đề phát sinh từ cơ sở để tư vấn trực tiếp cho cấp ủy Đảng, chính quyền.
Để đáp ứng được yêu cầu, các cấp Mặt trận trong tỉnh cần phải được sắp xếp theo hương tinh gọn, hiệu quả và quan tâm tới nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ Mặt trận.Phương thức hoạt động của Mặt trận phải đi vào lòng dân, làm sao để Đảng nói dân tin, Mặt trận và tổ chức chính trị vận động dân theo, Chính quyền làm Dân ủng hộ.Mọi hoạt động của Mặt trận phải hướng tới đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân.