"Quy tụ sức mạnh cộng đồng, công tác từ thiện mới hiệu quả"
Ngày đăng:23-04-2012
Ở một xã mà đời sống vẫn chưa khá giả, người nông dân hàng ngày vẫn phải đối mặt với bao khó khăn nhưng lại sẵn lòng đóng góp công sức, tiền của giúp đỡ người khó khăn, hoạn nạn. Vì sao giữa cuộc sống bộn bề lo toan như vậy hoạt động từ thiện, nhân đạo vẫn có sức quy tụ? Gặp nữ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tân Mỹ - chị Thân Thị Thao, người khơi gợi hoạt động nhân đạo phát triển sôi nổi ở xã Tân Mỹ, chúng tôi tìm được câu trả lời.
Ở một xã mà đời sống vẫn chưa khá giả, người nông dân hàng ngày vẫn phải đối mặt với bao khó khăn nhưng lại sẵn lòng đóng góp công sức, tiền của giúp đỡ người khó khăn, hoạn nạn. Vì sao giữa cuộc sống bộn bề lo toan như vậy hoạt động từ thiện, nhân đạo vẫn có sức quy tụ? Gặp nữ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tân Mỹ - chị Thân Thị Thao, người khơi gợi hoạt động nhân đạo phát triển sôi nổi ở xã Tân Mỹ, chúng tôi tìm được câu trả lời.
Chào chị! Dường như công tác từ thiện đã đem lại cho chị sự trẻ trung hơn so với độ tuổi của mình?
Đó là điều mà những người làm công tác chữ thập đỏ cơ sở như chúng tôi "lời" nhất đấy! (cười) "Tâm sáng, lòng trong" mà!
Cơ duyên nào đưa chị đến với công tác từ thiện nhân đạo?
Năm 2005, được lãnh đạo xã động viên làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tôi vui vẻ nhận lời mặc dù khi đó, không ít người can ngăn về đặc thù công việc "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng". Nhưng tôi vốn là người yêu thích các hoạt động xã hội và nhận thấy hoạt động từ thiện, nhân đạo rất có ý nghĩa trong xã hội. Với tôi, đã nhận làm thì phải có trách nhiệm. Hơn nữa, chồng con tôi rất ủng hộ tôi làm công việc này.
Công tác chữ thập đỏ của xã Tân Mỹ được biết đến như lá cờ đầu ở huyện Yên Dũng (khi chưa sáp nhập về TP Bắc Giang) và nay lại ở vị trí "top" đầu của TP Bắc Giang. Theo chị, điểm gì là nổi bật ?
Bảy hoạt động chủ yếu của công tác chữ thập đỏ, chúng tôi đều hoàn thành vượt kế hoạch, được các cấp hội đánh giá cao như: Hiến máu nhân đạo, xây dựng quỹ hội, trợ cấp khó khăn, chăm sóc ban đầu sức khoẻ nhân dân… Điển hình như gây dựng quỹ hội, 5 năm qua, chúng tôi đã vận động được đông đảo thành phần tham gia với số tiền gần 300 triệu đồng, đã hỗ trợ 190 trường hợp khó khăn trên địa bàn và người dân ở vùng thiên tai, bão lụt. Các mô hình hoạt động nhân đạo đều được đánh giá thiết thực, hiệu quả với cộng đồng như: Chốt sơ cấp cứu tai nạn; Hũ gạo tình thương; Gia đình chữ thập đỏ… Có được kết quả đó là do chúng tôi đã quy tụ được sức mạnh cộng đồng với công tác này.
“Hũ gạo tình thương” tại xã Tân Mỹ được Hội Chữ thập đỏ tỉnh chọn làm mô hình điểm để nhân rộng.
Người bị tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn xã đều được đội "115" Chữ thập đỏ của xã sơ cứu. Mô hình chốt cấp cứu tai nạn này đang được nhân lên ở các địa phương khác…
Xã Tân Mỹ có nhiều tuyến quốc lộ và tỉnh lộ chạy qua. Những tuyến đường này thường xuyên xảy ra TNGT. Nhiều nạn nhân không được sơ cứu kịp thời đã nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, năm 2009, chúng tôi đề xuất và được Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho phép đặt chốt sơ cấp cứu tai nạn đầu tiên của tỉnh. Tôi xung phong nhận đặt tại gia đình mình vì nhà tôi gần đường 295b. Để hoạt động hiệu quả, chúng tôi đã vận động những cán bộ y tế nghỉ hưu hoặc đang công tác tại Trạm y tế xã, có tâm huyết với hoạt động nhân đạo tham gia. Qua nhiều năm hoạt động, chốt sơ cấp cứu rất hữu ích với người dân. Riêng năm 2011, chúng tôi đã sơ cứu được 105 trường hợp. Hoạt động của chốt được các cấp hội ghi nhận nên xã tôi lại tiếp tục mở thêm hai chốt nữa với 12 tình nguyện viên tham gia. Trưởng công an xã đều liên kết chặt chẽ với các chốt để gọi sơ cứu người bị nạn. Chúng tôi đùa vui gọi nhau là "115" của xã.
Tham gia sơ cứu nạn nhân TNGT là việc khiến nhiều người còn e ngại. Chị làm thế nào để thu hút những tình nguyện viên ?
Có chứng kiến những vụ TNGT mới thấy lúc đó "cứu người như cứu hoả", mình không thể dửng dưng được. Dù việc cứu người tai nạn cũng đem lại không ít phiền phức như thời điểm xảy ra thường hay vào lúc nghỉ ngơi, ăn trưa, bỏ việc nhà đi làm, khiêng người tai nạn đi bệnh viện… nhưng tôi nghĩ tất cả những tình nguyện viên đều được nâng cao nhận thức về công tác nhân đạo. Hơn nữa, Hội Chữ thập đỏ cấp thành phố, xã cũng thường xuyên động viên, giám sát nên tất cả các tình nguyện viên xác định hoạt động này là "nhiệm vụ", không thể "giữa đường thấy nạn làm ngơ" được.
Với người dân xã Tân Mỹ, hoạt động của "Hũ gạo tình thương" đã đem lại hiệu quả rất thiết thực với người nghèo?
Năm 2010, nhà tôi mở cửa hàng gạo. Tôi nghĩ hoạt động từ thiện phải đa dạng mới thu hút được sự hưởng ứng của cộng đồng. Tôi rất ủng hộ khi Hội Chữ thập đỏ huyện đặt mô hình "Hũ gạo tình thương" tại nhà mình. Vừa bán gạo, tôi vừa vận động mọi người ủng hộ. Ai cũng giúp ít nhiều khi thấy ý nghĩa của hũ gạo. Nhà sư Thích Đàm Tiến, chủ trì chùa Phụng Pháp (xã Tân Mỹ) ủng hộ 100 kg. "Tích tiểu thành đại", hàng quý, lãnh đạo xã lại mở hũ gạo trao cho những hộ nghèo ở xã trước sự chứng kiến của đông đảo dân làng. Đến nay, hũ gạo này đã thu được 5 tạ, giúp hàng chục trường hợp nghèo khó khi giáp hạt. Hũ gạo này đã làm điểm để Hội Chữ thập đỏ tỉnh nhân rộng trên địa bàn.
Mô hình "Gia đình chữ thập đỏ" ở Tân Mỹ cũng đang là hoạt động thu hút người dân trong xã tham gia?
Năm 2011, Hội Chữ thập đỏ TP Bắc Giang phát động phong trào "Gia đình chữ thập đỏ" ở cơ sở, tôi thật sự trăn trở. Theo mức quy định của Hội Chữ thập đỏ thành phố, gia đình chữ thập đỏ cấp xã đóng 300 nghìn đồng/năm, cấp thành phố một triệu đồng/năm với nguyên tắc "vận động tại chỗ, hỗ trợ tại chỗ". Lúc đầu số hộ tham gia chưa nhiều, nhưng khi thấy số tiền mình quyên góp được sử dụng đúng mục đích, thăm hỏi, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn nơi mình sống, mọi người thấy hoạt động này có ý nghĩa, số đăng ký gia đình chữ thập đỏ ngày đông lên. Hiện nay, toàn xã đã có 80 gia đình tham gia ủng hộ khoảng 40 triệu đồng. Trong đó, có nhiều gia đình đạt gia đình chữ thập đỏ cấp thành phố. Chúng tôi đã thành lập riêng CLB gia đình chữ thập đỏ tại thôn Miễu với hơn 30 gia đình. Hiện nay, còn nhiều gia đình có nguyện vọng tham gia vào mô hình này.
Bí quyết nào để những hộ thuần nông ở xã lại nhiệt tình với hoạt động từ thiện như vậy?
Tôi hiểu rằng, hoạt động nhân đạo "lá lành đùm lá rách" đã lấp lánh cái đẹp nhân văn, truyền thống của dân tộc. Mình không phải hô hào nhiều, chỉ cần khơi gợi đúng nguồn, nó sẽ tự phát triển theo quy luật. Trong các hoạt động tổng kết chữ thập đỏ hàng năm, chúng tôi đều tôn vinh những người làm công tác từ thiện. Họ được mời đến, được trao bằng ghi nhận, được cộng đồng đánh giá cao. Điều tôi thấy tâm đắc là những gia đình chữ thập đỏ ở xã tôi không phải nhà nào cũng khá giả. Có những gia đình còn khó khăn như gia đình ông Nhật, thôn Miễu, còn có cháu bị câm nhưng vẫn tích cực tham gia.
Gắn bó với công tác chữ thập đỏ ở địa phương nhiều năm, có điều gì trong công tác hội hiện nay khiến chị còn băn khoăn?
Tôi rất vui khi hoạt động nhân đạo ở địa phương đã thu hút được người dân trong xã tham gia. Tôi nghĩ rằng Hội Chữ thập đỏ xã chúng tôi sẽ còn rất nhiều việc phải làm để công tác này có sức hút hơn nữa. Từ thực tế, tôi đúc kết ra rằng, công tác chữ thập đỏ cần phải quy tụ được sức mạnh của cộng đồng mới hiệu quả. Hiện nay, trong hoạt động trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn ở xã, tôi thực sự trăn trở, với sự giúp đỡ của cộng đồng như hiện nay thôi vẫn chưa đủ giúp những hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo bền vững. Chính vì vậy, tôi đang nghiên cứu, đề xuất hoạt động từ thiện ở địa phương cần thực hiện theo hình thức "mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ từ thiện" để làm sao, mọi nhà cùng chung sức, chung lòng giúp đỡ những người xung quanh mình đem lại hiệu quả lâu dài. Cùng đó, công tác hiến máu tình nguyện tuy hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao nhưng so với quy định tỷ lệ dân số hiến máu 0,8% vẫn chưa đạt yêu cầu. Đó là điều chúng tôi cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới.