Nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Bắc Giang
Ngày đăng:25-09-2018
Hiện nay, các quy định, chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội ngày càng được hoàn thiện là điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội, đồng thời đó cũng là yêu cầu đối với Mặt trận Tổ quốc các cấp trong việc nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội, phát huy dân chủ và ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Thực tiễn triển khai hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp từ trung ương đến cơ sở đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, tạo đồng thuận xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh. Tuy nhiên, công tác phản biện xã hội mới đạt kết quả bước đầu, hoạt động này của Mặt trận Tổ quốc ở các địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã)còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, do vậy hiệu quả chưa cao, chưa thực sự phát huy vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu của quy định pháp lý cũng như thực tiễn phát triển đất nước nói chung và của mỗi địa phương nói riêng. Do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, huyện, xã (sau đây gọi chung là ở địa phương) để nhận định rõ những ưu điểm, hạn chế tồn tại, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc ở địa phương, góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với công tác phản biện xã hội hiện nay.
Trong 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị (2014 - 2018), Mặt trận Tổ quốc các cấp đã từng bước triển khaihoạt động phản biện xã hội đạt kết quả. MTTQ cấp tỉnh chủ trì tổ chức phản biện 07 nội dung; Mặt trận Tổ quốc 10 huyện, thành phố đã phản biện 07 nội dung. Các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức phản biện 18 nội dung.
MTTQ các cấp đã tổ chức 29 hội nghị phản biện dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấpvới 369 ý kiến; tham gia góp ý đối với các dự thảo Văn kiện chuẩn bị cho các Hội nghị Trung ương, tham gia vào các chỉ thị, nghị quyết, của Ban Thường vụ cấp uỷ, như: Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong giai đoạn hiện nay; Chỉ thị về phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, nâng cao trách nhiệm và tinh thần phục vụ của cán bộ, đảng viên; Đề án về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng trong tình hình mới; Đề án về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng...
MTTQ các cấp tổ chức phản biện 31 nội dung dự thảoNghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân, các đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;trong đó có nhiều nội dung quan trọng về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương như : Đề án Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030; Đề án phát triển dịch vụ hỗ trợ vận tải đưa, đón công nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2017 - 2020; Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2030; Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bắc Giang đến năm 2030; Kế hoạch tăng trưởng xanh tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…Các ý kiến phản biện được các cấp, các ngành tiếp thu và bổ sung chỉnh sửa; nhiều định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã được điều chỉnh phù hợp, sát với tình hình thực tế của địa phương, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng các chương trình, đề án, quy hoạch, những chính sách của tỉnh làm cơ sở phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Ngoài ra,Mặt trận Tổ quốc các cấpở địa phương thực hiện đóng góp trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật, nhất là tham gia tích cực vào việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tổ chức nghiên cứu, tham gia ý kiến đóng góp vào các dự thảo Luật điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ năm 2014 đến nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Bắc Giang đã tham gia góp ý trên 56 dự thảo Luật, góp phần làm giảm thiểu những thiếu sót, sơ hở trong xây dựng, ban hành các văn bản luật, pháp lệnh; góp phần đảm bảo tính khả thi, làm cho các quy phạm sát hợp với thực tiễn đời sống xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp từ tỉnh đến cơ sở trong những năm qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, đó là: Hoạt động phản biện xã hội ở các địa phương mới chỉ tổ chức thực hiện ở cấp tỉnh, chưa thực hiện được nhiều ở cấp huyện, ở cấp xã cơ bản mới chỉ tổ chức các hoạt động có tính chất phản biện. Nội dung phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương còn chưa hướng vào những vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc của xã hội.Các ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc các cấp chưa đem lại hiệu quả thực tế. Văn bản góp ý vẫn chưa phản ánh được đầy đủ những ý kiến, kiến nghị, tâm tư và nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Để nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội trong thời gian tới, MTTQ các cấp cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, Mặt trận ở các địa phương và cơ sở phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng Đảng và tham gia xây dựng chính quyền; xác định: Phản biện xã hội là một trong những chức năng cơ bản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tập trung ưu tiên tổ chức thực hiện hoạt động này.
Hai là, MTTQ các cấp cần thực hiện tốt công tác phối hợp với chính quyền, các cơ quan nhà nước, các tổ chức thành viên trong thực hiện công tác phản biện xã hội. Hằng năm cần xác định nội dung chương trình phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, trên cơ sở đó, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện. Cần có chương trình phối hợp cụ thể với chính quyền cùng cấp về những nội dung liên quan đến các điều kiện bảo đảm cho hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc như: Công khai, minh bạch hoạt động của chính quyền; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những ý kiến mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng góp, và ý kiến của cơ quan có trách nhiệm giải trình, tiếp thu để các tầng lớp nhân dân theo dõi; cần bổ sung những quy định mới về thủ tục, trình tự xây dựng các văn bản pháp luật, chính sách; sử dụng công nghệ thông tin, báo chí,... Xây dựng cơ chế phối hợp, thống nhất hành động với các tổ chức thành viên trong hoạt động phản biện xã hộ, trong đó có quy định rõ trách nhiệm của các thành viên, quy trình thực hiện, cách thức thức thực hiện hoạt động phản biện xã hội.
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp đáp ứng nhiệm vụ phản biện xã hội, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó bổ sung, thay đổi chương trình nội dung với yêu cầu nâng cao nhận thức, rèn luyện kỹ năng tổ chức thực hiện hoạt động phản biện xã hội; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội đồng tư vấn, xây dựng đội ngũ cộng tác viên.
Bốn là, Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương cần phát huy các hình thức phản biện; suy nghĩ tìm tòi cách làm để thực hiện tốt nhiệm vụ phản biện xã hội; phát huy được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia hưởng ứng. Quá trình triển khai thực hiện phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vận dụng cách làm phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương…
Năm là, củng cố,kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động và tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, chế độ cho đội ngũ cán bộ mặt trận cơ sở và Ban công tác Mặt trận khu dân cư để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác mặt trận trong đó có nhiệm vụ phản biện xã hội.