Kết quả tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; những khó khăn và giải pháp
Ngày đăng:02-08-2018
Tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Nhiệm vụ này được khẳng định trong Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2013, đặc biệt được quy định cụ thể tại Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đây là chủ trương được nhân dân đồng tình, ủng hộ; đồng thời khẳng định địa vị pháp lý của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Thông qua tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội được đề cao và khẳng định rõ hơn; nhiều chủ trương, chính sách của Đảng được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và phù hợp với thực tiễn đất nước.
Trong thời gian qua, bằng nhiều hình thức tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền như tổ chức hội nghị, gửi văn bản dự thảo đề nghị góp ý, góp ý tại hội nghị giao ban với cấp ủy, các cuộc họp với chính quyền, qua việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử trị, tổ chức hội nghị qua tiếp xúc, đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tham gia góp nhiều ý kiến trong quá trình xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách của tỉnh, góp phần làm cho các chủ trương, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân. đồng thời MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội còn tham gia góp ý đối với việc thực hiện chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan đảng, cấp ủy, tổ chức đảng; việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các Nghị quyết của đảng, của Quốc hội, HĐND các cấp tại địa phương.
Ngay từ đầu năm, căn cứ vào chương trình công tác của cấp uỷ, chính quyền, Uỷ ban MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội đã chủ động lựa chọn nội dung cần góp ý, có văn bản đề nghị Thường trực cấp uỷ, chính quyền cùng cấp. Sau khi có ý kiến nhất trí của Thường trực cấp uỷ, chính quyền cùng cấp, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ xây dựng kế hoạch tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong năm. Năm 2018, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đăng ký 273 nội dung góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đồng thời tổ chức góp ý thường xuyên khi cấp ủy yêu cầu hoặc khi có ý kiến của chính quyền, các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp.6 tháng đầu năm 2018, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội các cấp đã tổ chức góp ý 1.568 văn bản dự thảo luật, dự thảo các nghị quyết, quy chế, quy định của cấp ủy, chính quyền, tham gia ý kiến vào dự thảo các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phươngvới 2.929 lượt ý kiến,qua đó đề nghị điều chỉnh những chủ trương, chính sách phù hợp, mang lại hiệu quả trong triển khai thực hiện, tạo sự đồng thuận của nhân dân. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức 05 Hội nghị sơ, tổng kết cácNghị quyết của Đảng, tham gia xây dựng báo cáo sơ kết Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, các Chương trình, Đề án của tỉnh, huyện, xã, thông qua đó, đã kiến nghị nhiều nội dung để điều chỉnh những bất cập, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân. Ngoài ra MTTQ và các đoàn thể còn thực hiện việc góp ý thường xuyên, đột xuất, định kỳ, góp ý 4.889 cuộc cơ quan tổ chức với 4.886 ý kiến và góp ý 31.943 ý kiến với 13.191 cán bộ đảng viên.
Để thực hiện tốt nội dung góp ý, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phân công cán bộ, lãnh đạo trực tiếp tiếp nhận và tổng hợp ý kiến của các tổ chức thành viên, các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp; phát huy vai trò của thành viên Hội đồng tư vấn, các chuyên gia, người uy tín ở các địa phương, qua đó đã tổng hợp được nhiều ý kiến tâm huyết tham gia vào dự thảo các nghị quyết, chương trình, đề án của cấp ủy, chính quyền các cấp, đồng thời tổng hợp nhiều ý kiến nhân dân, hàng tháng, hàng quý đều có báo cáo tình hình nhân dân gửi cấp ủy, chính quyền,
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội còn một số hạn chế: Công tác triển khai, thực hiện nhiệm vụ góp ý của một số đoàn thể chính trị - xã hội của cấp huyện chưa chủ động; việc xác định nội dung, hình thức góp ý của MTTQ cấp xã còn lúng túng, chủ yếu thực hiện góp ý vào dự thảo các văn bản gửi đến xin ý kiến; việc góp ý vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp ủy, cơ quan Đảng, tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước và góp ý đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) còn ít; chưa tham gia được nhiều ý kiến đối với việc chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do cấp ủy, chính quyền ở một số nơi chưa quan tâm, tạo điều kiện, tin tưởng giao nhiệm vụ cho MTTQ và các đoàn thể thực hiện nhiệm vụ góp ý. MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội còn chưa chủ động, tích cực ở một số nội dung; trình độ, năng lực, kỹ năng của đội ngũ cán bộ Mặt trận, đoàn thể còn nhiều mặt bất cập. Mặt khác, đây là nhiệm vụ lớn, lâu dài, nhiều vấn đề mới đặt ra cần phải được thể chế hóa để MTTQ phát huy tốt vai trò cầu nối giữa nhân dân với Đảng, chính quyền.
Để nâng cao hiệu quả công tác tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các đoàn thể thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, các cấp uỷ đảng từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, định hướng MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 1157-QĐ/TU, Quyết định số 1158-QĐ/TU ngày 09/7/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quy định trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp thu ý kiến đóng góp của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân.
Hai là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021, phối hợp tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với các chương trình, dự án lớn của chính quyền các cấp. Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ với các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.
Ba là, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai thực hiện tốt Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về quy định việc MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện góp ý thường xuyên, định kỳ, đột xuất; thực hiện góp ý đối với tập thể và góp ý đối với cá nhân, góp ý vào dự thảo văn bản và góp ý đối với việc thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên.
Bốn là, hằng năm tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Mặt trận, đoàn thể, chú trọng nâng cao kỹ năng lắng nghe, tuyên truyền, vận động quần chúng theo phương châm “lắng nghe nhân dân nói, nói cho nhân dân hiểu, làm cho nhân dân tin”. Phát huy vai trò của các vị ủy viên Ủy ban Mặt trận, thành viên Hội đồng tư vấn, các chuyên gia tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền.
Thực hiện nhiệm vụ tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được gắn với quyền và trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong giai đoạn hiện nay. Với sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự phối hợp, tạo điều kiện của HĐND, UBND tỉnh và các tổ chức thành viên, cùng với sự tham gia hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội sẽ phát huy vai trò của mình, triển khai có hiệu quả hoạt động tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp phần phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.